CHĂM SÓC TRẺ BỊ CÚM A: 4 LƯU Ý QUAN TRỌNG GIÚP TRẺ BÌNH PHỤC NHANH CHÓNG
- Người viết: Anh Lương lúc
- Tin tức
Điều trị cúm A cho trẻ có thể dùng thuốc hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác hoặc những người bị suy giảm miễn dịch,…
Cúm A ở trẻ là bệnh gì?
Cúm A ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do các chủng virus cúm A gât ra. Cúm A thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa Đông – Xuân, tuy nhiên năm nay, các địa phương ghi nhận số ca mắc cúm A tăng lên bất thường vào mùa Hè.
Trẻ bị cúm A có chữa khỏi được không?
Cúm A thường có diễn biến lành tính và hồi phục trong khoảng 2-7 ngày. Tuy nhiên, đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi hoặc trẻ có bệnh nền, cúm A có thể diễn biến nhanh chóng và gây ra các biến chứng nặng. Đối với nhóm người mắc bệnh mạn tính như bệnh về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch, cúm A có thể gây ra suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong.
Nếu trẻ có sốt cao, ăn kém dẫn đến nôn trớ nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi tình trạng của bé một cách chính xác. Nếu trẻ có triệu chứng nôn trớ kéo dài, có nguy cơ mất nước hoặc giảm thể tích tuần hoàn cần được xử lý kịp thời.Đồng thời, không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus như Tamiflu mà cần phải tuân thủ hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Thời gian trị bệnh cúm A cho trẻ nhỏ
Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, thời gian điều trị cúm A cho trẻ nhỏ thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Sau khoảng 5 ngày điều trị, trẻ thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu; tuy nhiên, tình trạng ho và mệt mỏi có thể vẫn tiếp tục kéo dài. Sau khoảng 1-2 tuần, tất cả các triệu chứng của bệnh thường biến mất hoàn toàn.
Nếu sau khoảng 7 ngày điều trị, các triệu chứng của cúm A ở trẻ nhỏ không giảm đi và kèm theo các triệu chứng như sốt cao, dịch mũi đặc vàng, hoặc ra nhiều rỉ mắt, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.
Hướng dẫn cách điều trị cúm A cho trẻ em
Phụ huynh cần phân biệt triệu chứng sốt cao, đau mỏi cơ, mệt mỏi của các bệnh như bệnh sốt xuất huyết, sốt phát ban với cúm A. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh chưa có chỉ định, thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, dự trữ thuốc, đắp chân kín để toát mồ hôi,… điều này thường gặp khi điều trị cúm cho trẻ, có thể khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, gây tổn thương phổi khi nhập viện. Dưới đây là hướng dẫn cách trị cúm A cho trẻ em được nhiều chuyên gia khuyến cáo:
a, Cách ly với người khác
Khi trẻ bị cúm A, điều quan trọng nhất là cách ly trẻ khỏi ba mẹ, người thân và những người khỏe mạnh trong gia đình cũng như bạn bè. Việc này không chỉ giúp ngăn chặn sự lây lan của virus cho người khác mà còn hỗ trợ quá trình điều trị cúm A cho trẻ hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn. Nếu trẻ không được cách ly, có nguy cơ lây truyền virus cho các thành viên trong gia đình, gây ra tình trạng bệnh kéo dài hoặc nặng hơn.
b, Điều trị, chăm sóc trẻ tại nhà
Trong quá trình chăm sóc và điều trị cúm tại nhà cho trẻ, phụ huynh cần tuân thủ những hướng dẫn sau:
Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ và uống đủ nước.
Đối với trẻ nhỏ và đang bú mẹ, nên tăng tần suất cho bé bú để cung cấp đủ dưỡng chất.
Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý giúp làm sạch và giảm nghẹt mũi.
Theo dõi tần suất và lượng nước tiểu của trẻ để đảm bảo cơ thể không bị mất nước.
Tắm cho trẻ bằng nước ấm và mặc đồ rộng rãi, thoải mái để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi.
Khi cần, có thể sử dụng Paracetamol để hạ sốt cho trẻ, nhưng tránh sử dụng aspirin.
c, Điều trị bằng thuốc
Tùy vào tình trạng bệnh của trẻ mà bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc trị cúm phù hợp để điều trị cho trẻ
d, Bổ sung dinh dưỡng
Ngoài việc thực hiện cách ly, chăm sóc tại nhà và điều trị bằng thuốc,thì chế độ dinh dưỡng của trẻ cũng là 1 điều ba mẹ nên chú ý. Đây là một yếu tố then chốt giúp trẻ tăng đề kháng và phục hồi nhanh chóng. Dưới đây là những điều ba mẹ cần chú ý khi cung cấp chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong quá trình điều trị cúm:
Đảm bảo trẻ tiêu thụ thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp.
Nấu thức ăn kỹ và phục vụ cho trẻ khi thức ăn vẫn còn ấm. Phân chia bữa ăn thành các phần nhỏ và tăng tần suất ăn trong ngày.
Cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ, bao gồm tinh bột, chất đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau quả để tăng cường sức đề kháng.
Đối với trẻ đang bú mẹ hoặc sử dụng bình sữa, hãy tăng tần suất cho bé bú và chia nhỏ thời gian cữ bú trong ngày.
Phòng ngừa cúm A cho trẻ
Nghiên cứu trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới The Lancet cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cúm tại Việt Nam cao gấp 5 lần trung bình thế giới, với hơn 3.700/100.000 người dân. Tỷ lệ nhập viện và tử vong do cúm cũng ở mức cao.
Việt Nam thường phải đối mặt với "dịch chồng dịch" khi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lưu hành quanh năm. Biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, khử khuẩn cũng giúp kiểm soát bệnh cúm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cúm ở Việt Nam vẫn thấp, dưới 2% dân số. Việc tiêm vắc xin cúm định kỳ hàng năm là cần thiết, đặc biệt là đối với trẻ em nhỏ để tránh diễn biến nặng và tử vong.