Rubella và những điều bạn cần biết

Rubella và những điều bạn cần biết

Rubella là một bệnh do virus thường xảy ra ở trẻ em và thanh niên chưa có miễn dịch. Ở phụ nữ mang thai, nhiễm rubella có thể gây ra nhiều dị tật bẩm sinh nghiêm trọng được gọi là hội chứng rubella bẩm sinh. Tìm hiểu các thông tin trong bài viết dưới đây.
Nhiễm rubella thường nhẹ, tự khỏi và có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, bệnh rubella rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Vậy bệnh rubella là gì? Triệu chứng nhiễm rubella như thế nào? Phương pháp điều trị ra sao?.... BookingCare thông tin đến bạn đọc trong bài viết dưới đây. 
Rubella là gì? 
Rubella, hay bệnh sởi Đức, là một bệnh nhiễm virus thường xảy ra ở trẻ em và thanh niên chưa có miễn dịch. Bệnh thường khởi đầu với sốt nhẹ, nổi hạch, sau đó là phát ban dát sẩn đỏ toàn thân trong thời gian ngắn.
Ở người không mang thai, rubella thường là một bệnh nhiễm trùng lành tính và tự khỏi.  Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 10 tuần đầu của thai kỳ, có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng được gọi chung là hội chứng rubella bẩm sinh (CRS).
Sau khi đưa vắc xin rubella vào năm 1969, tỷ lệ nhiễm rubella đã giảm đáng kể ở nhiều quốc gia; tuy nhiên, rubella vẫn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng và góp phần đáng kể tỷ lệ dị tật trên toàn thế giới.
Mùa mắc bệnh Rubella
Trong giai đoạn chưa có vắc-xin, tỷ lệ mắc bệnh rubella cao nhất là ở trẻ em từ 5 đến 9 tuổi và tỷ lệ cao nhất thường xảy ra vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân, với các trường hợp lẻ tẻ xuất hiện quanh năm ở vùng khí hậu ôn đới. 
Sau khi thực hiện tiêm chủng rộng rãi, bệnh rubella ngày càng trở nên ít gặp, thỉnh thoảng có những trường hợp nhập cảnh từ những quốc gia nơi bệnh rubella lưu hành.
Các giai đoạn và triệu chứng của bệnh Rubella
Bệnh diễn biến qua 3 giai đoạn 
  • Thời kỳ ủ bệnh: 12 – 23 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Người bệnh đã nhiễm virus, chưa có biểu hiện bệnh.
  • Thời kỳ phát bệnh: có 3 biểu hiện chính: sốt, phát ban, nổi hạch.
    • Sốt nhẹ 38 độ C, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, chảy mũi trong, đôi khi đỏ mắt, thường xuất hiện 1- 4 ngày. Sau khi phát ban thì sốt giảm.
    • Nổi hạch: ở vùng xương chẩm, bẹn, cổ, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.
    • Phát ban: dấu hiệu làm người ta để ý tới. Ban mọc lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1 – 2 mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng lẻ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người
    • Đau khớp.
    • Bệnh lui thường hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn thường sau 1 tuần 
  • Thời kỳ lui bệnh: Triệu chứng kéo dài 3 – 4 ngày rồi tự hết. Đau khớp có thể kéo dài lâu hơn.
 
Chẩn đoán rubella như thế nào?
Việc chẩn đoán bệnh Rubella chủ yếu dựa vào xét nghiệm miễn dịch định lượng Rubella IgM và IgG. Theo đó, test Rubella sẽ được sử dụng để phát hiện kháng thể trong máu được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng virus Rubella. Hai loại kháng thể đó chính là IgM và IgG.
Kháng thể Rubella IgM xuất hiện trong máu sau khi cơ thể tiếp xúc với virus Rubella, tăng lên và đạt đỉnh trong khoảng 7 - 10 ngày sau khi nhiễm trùng, kéo dài trong vài tuần rồi giảm dần.
Kháng thể IgG xuất hiện muộn hơn IgM nhưng tồn tại trong máu suốt đời để giúp cơ thể chống lại sự tái xâm nhập của virus Rubella. Nếu có sự xuất hiện của IgG tức là đã nhiễm Rubella gần đây hoặc từng có trong quá khứ.
Điều trị bệnh rubella như thế nào?
  • Ở phụ nữ mang thai, việc quản lý phụ thuộc vào tuổi thai khi được chẩn đoán nhiễm Rubella.
    • Nếu nhiễm trùng xảy ra trước 18 tuần tuổi thai, thai nhi có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và dị tật, do đó việc quản lý nên cân nhắc chấm dứt thai kỳ.
    • Nếu nhiễm trùng xảy ra sau 18 tuần tuổi thai, thai kỳ có thể được tiếp tục bằng cách theo dõi siêu âm và quản lý trẻ sơ sinh cụ thể.
  • Ở người không mang thai: Điều trị bệnh rubella chủ yếu điều trị triệu chứng: sử dụng nhóm thuốc giảm đau - chống viêm không steroid (NSAIDS) để hạ sốt, điều trị đau khớp hoặc viêm khớp. 
  • Việc điều trị trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh tập trung vào triệu chứng và cơ quan cụ thể.  Rubella có thể ảnh hưởng trên rất nhiều cơ quan của trẻ và liên quan đến nhiều chuyên khoa như nhi khoa, nhãn khoa, tim, thính giác và phát triển thần kinh.  Cần theo dõi lâu dài và tái khám để phát hiện sớm các dấu hiệu.
Biến chứng nguy hiểm khi nhiễm Rubella
  • Viêm nhiều khớp và đau nhiều khớp là biến chứng phổ biến nhất của nhiễm rubella, ảnh hưởng đến 70% thanh thiếu niên và phụ nữ trưởng thành. Tình trạng viêm và đau thường đối xứng 2 bên và thường ảnh hưởng đến các khớp cổ tay, ngón tay, đầu gối và mắt cá chân. 
  • Các biểu hiện khác, mặc dù hiếm gặp, bao gồm xuất huyết ( xuất huyết giảm tiểu cầu, xuất huyết não, tiêu hóa, thận ), thiếu máu tán huyết, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm gan, viêm tinh hoàn, bệnh võng mạc, viêm màng bồ đào, hội chứng Guillain-Barré và viêm não sau nhiễm trùng. 
  • Nhiễm rubella khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai, thai chết trong tử cung, chuyển dạ sớm, chậm phát triển trong tử cung và hội chứng rubella bẩm sinh.
  • Nguy cơ phát triển các biến chứng là cao nhất nếu nhiễm trùng xảy ra trong vòng 12 tuần đầu tiên của thai kỳ.
 
Tổng quan chung, rubella thường không gây nguy hiểm với người bệnh bình thường nhưng cần đặc biệt quan tâm với đối tượng là các mẹ bầu. Điều quan trọng nhất nên tiêm chủng cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi mang thai và trẻ em theo lịch tiêm chủng để phòng ngừa nhiễm rubella. 
Để được tư vẫn miễn phí hoặc muốn đặt lịch thăm khám, các bố mẹ có thể gọi đến Hotline HOTLINE:0899 766 566 của Phòng khám chuyên Khoa Nhi- Tai Mũi Họng Pharmakids hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂYđể được hỗ trợ chi tiết hơn
Bài trước Bài sau