Bất dung nạp lactose là gì? Chứng bất dung nạp lactose ở trẻ em được điều  trị như thế nào?

Bất dung nạp lactose là gì? Chứng bất dung nạp lactose ở trẻ em được điều trị như thế nào?

Bất dung nạp Lactose là tình trạng thường gặp ở trẻ em. Điều cần lưu ý là cần tránh ăn hoặc ăn với lượng rất ít các thực phẩm có chứa đường lactose để giảm thiểu các triệu chứng do tình trạng này gây ra. 

Bất dung nạp lactose là gì?

Lactose là loại đường có chủ yếu trong sữa cung cấp 40% năng lượng trong sữa. Cơ thể chúng ta có một loại enzyme là lactase để phân giải và tiêu hóa đường lactose. Nhưng một số người không có đủ enzym lactase để phân giải lượng đường này, gây ra tình trạng bất dung nạp lactose, tức cơ thể không tiêu thụ được đường lactose.

Bất dung nạp glucose là tình trạng thiếu hụt một phần hoặc toàn bộ lactose trong cơ thể hoặc giảm hoạt tính lactose làm cơ thể không tiêu hóa hoặc chỉ tiêu hóa một phần lactose

 

Nguyên nhân gây ra bất dung nạp lactose ở trẻ em

Enzym lactase được sản xuất ở ruột non. Thông thường, lactase biến đường sữa thành hai loại đường đơn giản – glucose và galactose – được hấp thụ vào máu qua niêm mạc ruột.

Nếu cơ thể thiếu lactase, lactose trong thức ăn sẽ di chuyển vào ruột non thay vì được xử lý và hấp thụ. Trong ruột non, vi khuẩn bình thường tương tác với đường sữa khó tiêu, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng không dung nạp đường sữa.

Có ba loại không dung nạp lactose. Các yếu tố khác nhau gây ra tình trạng thiếu hụt lactase ở mỗi loại.

  • Không dung nạp lactose nguyên phát: Đây là dạng phổ biến nhất. Cơ thể thường ngừng sản xuất lactase vào khoảng 5 tuổi. Những người mắc chứng không dung nạp lactose nguyên phát tạo ra ít lactase hơn rất nhiều. Vì vậy, gây ra tình trạng khó tiêu hoá các sản phẩm từ sữa hơn khi trưởng thành.

  • Không dung nạp lactose thứ phát: Thường gặp sau khi tổn thương, chấn thương hoặc phẫu thuật liên quan đến ruột non như nhiễm trùng đường ruột, bệnh celiac, sự phát triển quá mức của vi khuẩn và bệnh Crohn. Thông thường sau khi bệnh được điều trị thì tình trạng bất dung nạp lactose cũng cải thiện.

  • Không dung nạp lactose tiến triển : Trẻ sinh non cũng có thể không dung nạp lactose do lượng lactase không đủ.

  • Không dung nạp lactose bẩm sinh: là sự thiếu hụt lactose hoàn toàn vĩnh viễn, xuất hiện từ ngay khi trẻ sinh ra.

Triệu chứng bất dung nạp lactose

Không dung nạp Lactose có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào lượng sữa hoặc thực phẩm có chứa sữa được tiêu thụ và lượng lactase mà cơ thể tạo ra.

Thông thường trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn, ở trẻ em không dung nạp lactose sẽ có những biểu hiện dưới đây:

  • Buồn nôn, nôn trớ

  • Tiêu chảy nhiều lần/ ngày, phân lỏng nước, mùi chua, nhiều bọt

  • Đau bụng, chướng bụng làm trẻ quấy khóc khó chịu

  • Sôi bụng, trung tiện (xì hơi) nhiều

  • Hăm đỏ quanh hậu môn

Chẩn đoán Bất dung nạp Lactose

Để chẩn đoán tình trạng bất dung nạp lactose, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và chế độ ăn uống của trẻ.

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra nồng độ hydro trong hơi thở của trẻ trước và sau khi uống lactose. Nếu lactose không được tiêu hoá sẽ sinh ra nhiều khí, bao gồm khí hydro.

Với phép đo này, trẻ sẽ thổi vào ống để lấy mẫu ban đầu. Sau đó, uống sữa có chứa lactose, đợi một lúc và thở lại vào ống. Trẻ sẽ thổi vào ống mỗi nửa giờ trong 2 giờ để đo nồng độ hydro. Nồng độ này sẽ tăng lên theo thời gian nếu trẻ không dung nạp lactose.

Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm dung nạp lactose, tuỳ thuộc vào độ tuổi của trẻ mà sẽ được chỉ định thực hiện loại kiểm tra nào.

Điều trị chứng không dung nạp lactose ở trẻ em

 

Kiểm soát lactose trong khẩu phần ăn của bé

Để điều trị tình trạng này cần phải kiểm soát lượng lactose trong khẩu phần ăn của bé. Việc giảm hoặc ngừng các sản phẩm chứa lactose giúp giảm các triệu chứng tiêu hóa cho bé.

Bất dung nạp lactose nguyên phát

Trong trường hợp không dung nạp lactose nguyên phát – trẻ bị suy giảm lactose mạnh liên quan đến yếu tố di truyền. Các sản phẩm sữa có chứa lactose thường được tránh dùng trong 2-4 tuần. Đây là khoảng thời gian cần thiết để làm thuyên giảm triệu chứng. Sau đó, khuyến cáo sử dụng lại dần dần các sản phẩm sữa có hàm lượng lactose thấp đến liều lượng cho phép.

Bất dung nạp lactose thứ phát

Đối với trường hợp không dung nạp lactose thứ phát (do tiêu chảy kéo dài, sau dùng kháng sinh, phẫu thuật ruột non, …) thì việc hạn chế các sản phẩm có chứa lactose chỉ cần áp dụng ở mức giảm giảm lactose trong một khoảng thời gian nhất định. Sẽ là tối ưu nhất nếu tìm được ngưỡng cân bằng để lượng lactose là vừa đủ. Khi đó cung cấp dinh dưỡng cho bé mà không gây các triệu chứng tiêu chảy.

Bất dung nạp lactose bẩm sinh

Trong dạng không dung nạp lactose bẩm sinh (hiếm gặp), cần có một chế độ ăn hoàn toàn không có lactose trong suốt cuộc đời.

Thực phẩm cần hạn chế

  • Tất cả các loại sữa: sữa nguyên kem, sữa ít béo, kem, sữa bột, sữa đặc, sữa dê,..

  • Pho mát, kem, nước sốt kem / pho mát, pho mát kem, pho mát mềm ( brie, ricotta), phô mai mozzarella.

  • Sữa chua

  • Bánh mì sữa, bánh quy giòn

  • Các sản phẩm từ sữa khác.

Việc ngừng lactose trong khẩu phần ăn giảm triệu chứng tiêu hóa. Tuy nhiên lactose cung cấp năng lượng và cần cho sự phát triển của trẻ nên việc cung cấp lactose ở liều phù hợp là cần thiết. Lượng lactose có thể dung nạp của từng cá nhân là khác nhau dựa vào tình trạng đáp ứng. Mẹ có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho bé bằng các loại thực phẩm như:

Các sản phẩm thay thế sữa:

  • Sữa không chứa lactose: Sữa free lactose

  • Sữa đậu nành, sữa gạo, sữa hạnh nhân, sữa hạt điều,…

Bên cạnh đó, phụ huynh nên ghi nhật ký thực phẩm cho trẻ để xác định loại thực phẩm nào khiến trẻ có các triệu chứng bất dung nạp. Từ đó có thể lựa chọn được loại thực phẩm phù hợp nhất cho trẻ. 

Sử dụng thuốc bổ sung enzym

Bổ sung enzyme lactase ở dạng viên nang, thuốc viên, thuốc nhỏ hoặc dạng nhai để uống trước khi ăn/uống các sản phẩm từ sữa. Thuốc nhỏ dạng giọt có thể thêm trực tiếp vào sữa. Từ đó cho phép bé sử dụng được các sản phẩm từ sữa giúp cải thiện được các triệu chứng.

Tuy nhiên, cha mẹ nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ về việc bổ sung loại enzym này cho trẻ.

Bổ sung lợi khuẩn cho bé bất dung nạp lactose

Sử dụng các lợi khuẩn probiotic: men vi sinh – chế phẩm sinh học có thể định hình thành phần hệ vi sinh vật đường ruột. Sử dụng men vi sinh tức là cung cấp lợi khuẩn giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa cải thiện các triệu chứng của bé. Bifidobacterium là chủng lợi khuẩn là lợi khuẩn được chứng minh về sự hiểu quả với tình trạng không dung nạp lactose. Sau khi bổ sung lợi khuẩn này, cơ thể trẻ tăng cường tiết nhiều loại enzym khác nhau, trong đó có lactase.

Bổ sung kẽm cho trẻ bất dung nạp lactose

Bổ sung Kẽm nên cho trẻ uống kẽm sớm ngay khi có các triệu chứng tiêu chảy. Liều lượng kẽm trong điều trị tiêu chảy được WHO khuyến cáo như sau:

  • Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi: cho trẻ uống 10mg/ngày trong 14 ngày.

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên: cho trẻ uống 20mg/ngày trong 14 ngày.

Các thực phẩm bổ sung Canxi thay thế

Sữa là một nguồn bổ sung canxi tốt cho trẻ. Với trẻ không thể sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa, trẻ có thể có những lựa chọn thay thế khác.

Trẻ em cần khoảng 1.300 mg canxi mỗi ngày. Vì vậy, trẻ có thể sử dụng các loại thực phẩm thay thế có chứa nhiều canxi như: 

  • Sữa đậu nành, đậu nành

  • Các loại rau lá xanh như bông cải xanh, cải xoăn

  • Các loại đậu đỗ

  • Cá hồi

  • Hoa quả sấy khô

  • Đậu hũ

Bên cạnh đó, có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để lựa chọn những loại thực phẩm thay thế phù hợp và phát triển một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều canxi để xây dựng xương chắc khỏe.

Lưu ý thêm rằng trẻ cần bổ sung vitamin D để hấp thụ canxi tốt hơn, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. 

Không dung nạp lactose ở trẻ em không được coi là một tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng. Phụ huynh có thể sử dụng các thực phẩm thay thế cho trẻ để giảm thiểu các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, nôn mà vẫn đảm bảo cung cấp một lượng canxi cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Bài trước Bài sau