Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh: Chế độ ăn của trẻ sơ sinh như thế nào?

Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh: Chế độ ăn của trẻ sơ sinh như thế nào?

 

Chế độ ăn cho trẻ sơ sinh là yếu tố quan trọng cho sự phát triển và tăng cân đều đặn của trẻ sơ sinh, đồng thời góp phần tới sự phát triển tối đa của trẻ sau này. Với trẻ sơ sinh, sữa mẹ là thức ăn quan trọng bởi sữa mẹ thúc đẩy hệ miễn dịch phát triển và cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé sơ sinh.

Ở trẻ sơ sinh, dạ dày và các cơ quan khác chưa hoàn thiện, hệ tiêu hóa cũng rất nhạy cảm. Bởi vậy, đây là giai đoạn mà dinh dưỡng rất quan trọng với trẻ sơ sinh, việc ăn uống giúp trẻ thích nghi với tiêu hóa qua đường miệng, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý và đồng thời cũng ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện tối đa của các bé. Giai đoạn bé sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng và cần thiết nhất

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ tốt cho cả mẹ và bé

Các giai đoạn hình thành sữa mẹ

  • Sữa non: Đây loại sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh (được tạo ra từ tuần 16 - 20 của thai kỳ) vì nó giàu dinh dưỡng (đạm, lipit và vitamin A cao), cung cấp một lượng lớn calo và kháng thể giúp trẻ xây dựng hệ thống miễn dịch. Sữa non sau đó sẽ được tiết ra trong 2 đến 3 ngày đầu sau khi đẻ. Sữa non có màu vàng nhạt và sánh đặc. Nên cho trẻ vừa sinh bú ngay sữa mẹ trong vòng 30 phút - 1 tiếng (đây là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời).

  • Sữa chuyển tiếp: Lượng đạm và vitamin A trong sữa chuyển tiếp giảm dần,  thành phần sữa dần ổn định.

  • Sữa mẹ vĩnh viễn: Chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng quan trọng như đạm, chất béo, và đường, cùng với các loại vitamin và khoáng chất cần thiết. Đặc biệt, sữa mẹ còn chứa các chất kháng khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ trong 6 tháng đầu đời, giúp trẻ phòng ngừa một số bệnh tật.

Lợi ích của sữa mẹ với trẻ sơ sinh

Với các bé sơ sinh, chế độ dinh dưỡng bằng sữa mẹ là chế độ tốt nhất. Khác với nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi, bé sơ sinh không cần bổ sung bất kỳ chất dinh dưỡng nào khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức hay sự kết hợp của cả hai (nếu mẹ không thể cho con bú hoàn toàn); tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là nguồn sữa tốt nhất. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sơ sinh được đáp ứng tốt bởi sữa mẹ và đồng thời cũng giúp xây dựng khả năng miễn dịch của trẻ.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ sơ sinh và không cần bổ sung thêm nước, ngay cả khi trời nóng do sữa mẹ sẽ cung cấp đầy đủ nước cho bé.

Sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh mà còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ (sữa mẹ chứa protein, chất béo, các vitamin, khoáng chất, nhiều kháng thể, DHA/ARA và các hóc-môn cơ bản). 

Nguồn sữa mẹ giúp hệ miễn dịch trẻ mạnh mẽ, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tăng cường hệ tiêu hóa. Đồng thời, sữa mẹ cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng giúp cho sự  phát triển não bộ, giúp trẻ thông minh hơn trong tương lai.

Lợi ích mang lại cho mẹ khi cho trẻ sơ sinh bú sữa

Nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại nhiều lợi ích cho cả người mẹ:

  • Giúp tuyến sữa mẹ hoạt động tốt hơn và sản xuất ra nhiều sữa hơn, đồng thời giúp tử cung mẹ co hồi sau quá trình sinh sản.

  • Cho con bú thường xuyên giúp tiếp xúc và gần gũi với mẹ, từ đó tạo ra một mối quan hệ gắn bó vững chắc giữa mẹ và con. Việc này cũng giúp mẹ cảm thấy thoải mái tinh thần, yên tâm hơn và giảm được sự lo âu cũng như trầm cảm sau sinh.

  • Người mẹ sẽ hồi phục nhanh hơn:

  • Giảm nguy cơ băng huyết và thiếu máu sau sinh.

  • Ngoài ra, việc cho con bú mẹ cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe của phụ nữ sau sinh như giảm nguy cơ mắc các loại ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tử cung. Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cũng giúp cơ thể phục hồi sau sinh nhanh chóng hơn.

  • Hơn nữa, việc cho con bú mẹ cũng giúp chậm có thai trở lại, có thể đạt được hiệu quả cao trong việc tránh thai an toàn.

  • Mẹ phục hồi phục nhanh cân nặng và vóc dáng ban đầu sau khi sinh một cách tự nhiên và hiệu quả.

  • Tiết kiệm được chi phí nuôi con so với nuôi con hoàn toàn bằng sữa công thức.

Chế độ ăn cho trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, do dạ dày và các cơ quan khác, cả tiêu hóa cũng chưa hoàn thiện và phát triển nên chế độ ăn của bé khác với các trẻ 6-12 tháng tuổi và càng khác biệt với dinh dưỡng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên: 

  • Trong vòng 1 giờ sau sinh: 

  • Đây là thời điểm bé nên được bú sữa mẹ càng sớm càng tốt bởi những giọt sữa non đầu tiên của mẹ như vacxin bảo vệ bé, do giàu vitamin A và các kháng thể. 

  • Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ (chỉ chứa khoảng 5-7 ml) nên khoảng 3 ngày đầu sau sinh, bé chỉ cần bú một lượng nhỏ sữa mẹ.

  • Khi mẹ phải sinh mổ,  mẹ vẫn có thể cho con bú với sự trợ giúp của người nhà hay cán bộ y tế.

  • Trong một tháng đầu: 

  • Trong tháng đầu, trẻ cần được cho bú 8 - 12 lần trong vòng 24 giờ hoặc tùy nhu cầu từng bé (mỗi cữ bú cách khoảng 2-3 giờ).

  • Với các bé sơ sinh được nuôi bằng sữa công thức nên ăn khoảng 6 đến 8 lần mỗi ngày (bắt đầu với 60 – 90 ml sữa công thức mỗi lần tương đương 60-90 gram sữa bột, mỗi ngày khoảng 480 - 710 ml).

  • Các bé bú sữa mẹ sẽ giảm dần số lần bú khi lớn dần, tuy nhiên lượng sữa sẽ tăng từ 180-240 ml/lần bú.

  • Giai đoạn 2 tháng tuổi: Giai đoạn này, bé nên được bú mẹ mỗi 3-4 giờ một lần để đảm bảo bé được cung cấp đủ dưỡng chất.

  • Giai đoạn 4 tháng tuổi: 

  • Bé ở tháng tuổi này có thể bú mẹ giảm xuống còn 4-6 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 4-5 giờ. Tuy nhiên, lượng sữa mẹ trong mỗi lần bú sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Không nên bổ sung nước trái cây trong giai đoạn này.

  • Ngoài ra, bé có thể nuốt phải khí khi bú, do đó sau mỗi lần bú, mẹ nên bế đứng hoặc  vỗ nhẹ vào lưng để bé có thể ợ hơi. 

  • Nếu bé chỉ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức dưới 473 ml mỗi ngày, cần bổ sung cho bé vitamin D để đảm bảo sức khỏe và phát triển toàn diện cơ thể cho bé.

  • Giai đoạn này, cha mẹ nên kiểm tra cân nặng định kỳ cho trẻ , giám sát chặt chẽ quá trình phát triển của trẻ. 

  • Giai đoạn 4 - 6 tháng tuổi: 

  • Giai đoạn 4-6 tháng tuổi, trẻ vẫn cần được tiếp tục cho bú mẹ hoặc sữa công thức khoảng 830-1330 ml/ngày.

  • Trẻ không nên tập ăn dặm quá sớm hay quá muộn, bắt đầu từ 5 tháng tuổi, trẻ cũng có thể bắt đầu tập ăn dặm thêm những thức ăn lỏng, nguyên tắc tập ăn dặm cho trẻ: từ lỏng đến đặc, từ ít tới nhiều, đồng thời, kết hợp cho bé bú mẹ càng nhiều càng tốt.

Ngoài sữa mẹ, trẻ sơ sinh có thể được nuôi dưỡng bằng sữa công thức - Ảnh: Freepik

Tiêu chuẩn đánh giá trẻ sơ sinh được bú đủ

Khi trẻ sơ sinh được bú đủ, trẻ sẽ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng để phát triển. Bởi vậy, có thể đánh giá trẻ được bú đủ dựa vào các dấu hiệu sau

  • Sau khi trẻ bú xong, bầu ti của mẹ trở nên mềm hơn.

  • Trẻ sơ sinh đi tiểu hoặc đại tiện hơn 5 lần mỗi ngày.

  • Trẻ sơ sinh đi đại tiện nhiều lần và phân có dạng "hoa cà, hoa cải" (phân vón cục, nhỏ, vàng trên nền nước xanh).

  • Trẻ sơ sinh sụt cân ở mức thấp, giảm dưới 10% so với cân nặng lý tưởng.

  • Trẻ em tăng cân khoảng 20-30g mỗi ngày trong 3 tháng đầu.

Một số điều cần lưu ý về dinh dưỡng của trẻ sơ sinh

Mẹ nên ngồi cho trẻ bú để dễ theo dõi trẻ và để trẻ bú tốt  hơn. Khi bú, mẹ nên đỡ đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng, mặt trẻ đối diện với vú. Khi trẻ bú đúng cách, trẻ sẽ mút chậm, sâu và thỉnh thoảng ngừng lại để nuốt. Nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới đổi bên vú để trẻ bú được cả sữa đầu và sữa cuối. Sau khi bú cần vỗ ợ hơi để tránh trẻ bị nôn trớ hay chướng bụng. Chỉ nằm cho trẻ bú khi quá đau vết mổ hay còn mệt.

Nếu không đủ sữa mẹ, có thể cho trẻ ăn thêm sữa công thức theo nhu cầu. Khi cho trẻ ăn sữa bằng bình, thìa,..., cần đảm bảo vệ sinh cọ rửa dụng cụ luộc hay hấp sấy. Nếu cho trẻ ăn sữa ngoài, cần pha sữa công thức phải đúng tỉ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất. Những trường hợp trẻ cần ăn sữa đặc biệt phải theo đúng chỉ định của bác sĩ sơ sinh, tuyệt đối không sử dụng nước cơm, nước cháo, sữa đặc có đường để nuôi dưỡng trẻ

Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh là vô cùng quan trọng, đồng thời cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học, đảm bảo về số lượng và chất lượng để trẻ khỏe mạnh và phát triển thật tốt. Hy vọng, bài viết này đã cung cấp các thông tin hữu ích về dinh dưỡng của trẻ sơ sinh, từ đó các cha mẹ, bậc phụ huynh biết được tầm quan trọng của dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và xây dựng một chế độ dinh  dưỡng tốt cho các bé.


Bài trước Bài sau