Trẻ bị tiêu chảy cấp có nguy cơ mất nước nghiêm trọng. Chính vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ thăm khám, xác định nguyên nhân gây tiêu chảy cấp để điều trị đúng cách, phòng ngừa bệnh tái diễn.
Có nhiều nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ, tiêu biểu gồm: nhiễm virus, nhiễm khuẩn, dị ứng với thức ăn, tác dụng phụ của thuốc... Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, cha mẹ cần theo dõi và cho trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế.
Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ em
Có nhiều nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ em, tiêu biểu gồm: tiêu chảy cấp do nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng ngoài ruột và một số nguyên nhân khác.
1. Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ do nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp ở trẻ. Tác nhân phổ biến gồm:
Virus: Rotavirus, Adenovirus, Norovirus… Trong đó, Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy nặng có thể đe dọa tính mạng đặc biệt ở trẻ dưới 2 tuổi . Đây là virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, có thể sống hàng giờ ở trên bàn tay và trên các bề mặt rắn. Đặc biệt, rotavirus có thể sống ổn định và gây ra bệnh khi sống trong phân 1 tuần.
Vi khuẩn: Một số loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy cấp ở trẻ em bao gồm: E. coli, Listeriamonocytogenes, Bacillus, Campylobacter jejuni, lỵ trực khuẩn, thương hàn, Clostridium botulinum, Salmonella spp, Shigella spp, Staphylococcus aureus, Vibrio cholerae, Yersinia enterocolitica…
Ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng gây nhiễm trùng đường ruột ở trẻ bao gồm: Entamoeba histolytica, Cryptosporidium, Giardia lamblia, Toxoplasma gondii…
2. Nguyên nhân do nhiễm trùng ngoài ruột
Một số bệnh nhiễm trùng ngoài ruột thường kèm theo tiêu chảy cấp ở trẻ có thể kể đến:
Nhiễm trùng đường hô hấp
Viêm tai giữa
Viêm màng não
Tay chân miệng
Nhiễm trùng huyết
Bệnh đường tiết niệu…
Một số nguyên nhân khác gây tiêu chảy cấp ở trẻ
Dị ứng thức ăn: Protein sữa bò, lạc, trứng, tôm, cá biển… trẻ thiếu hụt men Lactase để tiêu hóa đường Lactose trong sữa bò. dẫn đến Đường Lactose ứ đọng trong ruột chuyển thành axit lactic và khiến trẻ bị tiêu chảy.
Tác dụng phụ của thuốc: thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc nhuận tràng…
Rối loạn hấp thu, hoá xạ trị, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin, viêm ruột thừa cấp...
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiêu chảy cấp ở trẻ
Trẻ từ 6-11 tháng tuổi, bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm;
Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ trong khoảng 4-6 tháng đầu tiên, cai sữa sớm;
Nguồn thức ăn và nước uống không đảm bảo vệ sinh;
Trẻ suy dinh dưỡng, ốm yếu, suy giảm miễn dịch do HIV hoặc sau khi hết bệnh sởi;
Không đảm bảo vệ sinh trước khi chuẩn bị thức ăn cho bé, cho bé ăn và sau khi dọn phân cho bé;
Thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển: mùa đông, virus Rota phát triển và lây lan nhanh chóng, gây tiêu chảy cho bé, còn mùa hè trẻ dễ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn.
Khi biết được nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ và biểu hiện bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Cha mẹ cần lưu ý những vấn đề trên để hạn chế tình trạng tái phát ở trẻ.